Báo chí nói về ceo group

Việt Nam ở đâu thời “du mục kỹ thuật số”

Cần nhanh chóng nắm bắt những xu hướng du lịch mới để vực dậy và đưa ngành công nghiệp không khói thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cuộc đua thu hút “dân du mục kỹ thuật số”

Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thế giới, trong đó, thay đổi thể hiện rõ rệt nhất trong lĩnh vực du lịch và việc làm. Ở thời kỳ giãn cách xã hội, nhiều công ty chấp thuận cho người lao động làm việc từ xa (working online, remote worker), và khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, nhiều người trong số họ không muốn quay lại làm việc trong văn phòng truyền thống mà mong muốn tiếp tục được làm việc từ xa.

Nhiều người khác quyết định “ra riêng” khi tự start-up doanh nghiệp và làm việc kết hợp với du lịch (work-cation). Họ được gọi theo nghĩa đen là “dân du mục kỹ thuật số”, tức là những người thường xuyên “xê dịch”, không phụ thuộc vào địa điểm làm việc cố định truyền thống nhờ vào làm việc hoàn toàn hoặc phần lớn qua các thiết bị công nghệ.

“Dân du mục kỹ thuật số” chủ yếu làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tiếp thị, truyền thông, thiết kế, tư vấn hoặc dạy kèm. Dân du mục kỹ thuật số thích làm việc ở bất cứ đâu có mạng wifi (working from anywhere), làm việc xuyên biên giới (cross-border working). Ta có thể thấy họ trên bãi biển của khu resort, cạnh hồ bơi, trong thư viện, quán cafe, nhà hàng, văn phòng chia sẻ, trên du thuyền. Làm việc và tận hưởng du lịch trong các không gian đa dạng.

Số lượng người ưa thích phong cách sống này ngày càng tăng, đặc biệt trong lớp người có độ tuổi từ 24 – 44 tuổi, những người vốn đã thích làm việc tự do (freelancer) và làm việc từ xa. Một nghiên cứu của công ty MBO Partners gần đây cho biết, có tới 16,9 triệu người Mỹ tự nhận họ là “dân du mục kỹ thuật số” tăng 9% so với năm trước và tăng tới 131% so với năm 2019 trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Dân du mục kỹ thuật số có thể ngồi làm việc ở bất kỳ đâu có internet

Nhiều quốc gia đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới này. Bên cạnh loại thị thực du lịch và thị thực việc làm thông thường, những nước như Brazil, Bồ Đào Nha, Mexico, Đức đã cấp một loại thị thực digital nomad visa (DNV) nhằm thu hút người nước ngoài kết hợp du lịch với làm việc từ xa. Costa Rica cấp loại thị thực này cho thời gian lưu trú 90 ngày trong khi Mexico kéo dài thời hạn tới 1 năm. Để được cấp lại thị thực này, người lao động cần chứng minh thu nhập, hợp đồng làm việc từ xa, bảo hiểm du lịch và thời gian dự định lưu trú. Dân du mục kỹ thuật số đầu tư kiếm tiền và tiêu tiền ở địa phương họ lưu trú, từ đó đóng góp vào nền kinh tế địa phương mà không lấy mất đi công việc của người dân bản địa.

Một số nước Đông Nam Á cũng không đứng ngoài cuộc đua thu hút “dân du mục kỹ thuật số”. Gần đây, Indonesia đã chính thức tham gia cuộc đua thu hút công dân giàu có toàn cầu đến thủ phủ du lịch Bali khi cấp loại thị thực có thời hạn từ 5 – 10 năm. Người nước ngoài chỉ cần chứng minh trong tài khoản có 130.000 USD, quyền lợi của người nước ngoài là được sống và làm việc ở Bali và được miễn tất cả các loại thuế, kể cả từ các nguồn thu nhập ngoài Indonesia. Đất nước này hy vọng chương trình DNV sẽ tạo ra 1 triệu việc làm. Thái Lan cũng tham gia cuộc chơi với loại DNV có thời hạn định cư 10 năm với mục tiêu thu hút 1 triệu khách du lịch có tiền và khơi thông 25 tỷ USD chảy vào nền kinh tế trong một thập kỷ tới.

Mặc dù xu hướng du mục kỹ thuật số mới xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng thống kê sơ bộ cho thấy đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấp thị thực DNV. Sở dĩ nhiều nước đã nắm bắt xu hướng mới rất nhanh và hành động kịp thời vì muốn tìm mọi cách vực dậy nền kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ucraina, đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, những nước coi du lịch là ngành kinh tế chính càng không muốn bỏ lỡ cơ hội này để vực dậy ngành công nghiệp không khói vốn bị tổn thất nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19.

Nhiều nước đã nắm bắt xu hướng mới rất nhanh và hành động kịp thời vì muốn tìm mọi cách vực dậy nền kinh tế, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chiến tranh Nga – Ucraina, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng nên tham gia cuộc chơi chung của thế giới. Ngành du lịch Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã giảm mạnh từ hơn 18 triệu lượt trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 xuống gần như là con số 0 trong hai năm xảy ra đại dịch.

Sau khi mở cửa trở lại giữa năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế, nhưng hết 10 tháng năm 2022 mới đạt 2,357 triệu lượt. Dự báo 2 tháng cuối năm có thêm 500.000 nghìn lượt mỗi tháng thì cả năm cũng chỉ đạt trên 3 triệu lượt khách, cách mục tiêu rất xa. Trong khi đó, số lượng các cơ sở lưu trú tăng lên không ngừng trong mấy năm vừa qua. Theo Savills Hotels, số lượng phòng khách sạn trung, cao cấp đã tăng từ 14.000 vào năm 2009 lên 94.000 phòng hiện nay, đảm bảo có thể đón hàng chục triệu lượt khách quốc tế.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của nhiều khu du lịch, khu vui chơi giải trí quy mô lớn. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, phần lớn phòng khách sạn để trống hoặc tỷ lệ lấp đầy rất thấp trong suốt hai năm qua, nhiều lao động trong ngành đã chuyển nghề vì không đủ sống, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

Gợi ý cho Việt Nam

Để vực dậy ngành du lịch, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh toàn cầu hoá tạo ra công dân toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam cần làm gì? Cách làm của nhiều nước để thu hút “dân du mục kỹ thuật số” có thể là bài học kinh nghiệm để Việt Nam tham khảo để sớm có thêm các động lực cho ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Trước hết có thể thấy nhiều nước đã rất nhanh nhạy nắm bắt xu hướng mới, cho dù xu hướng “du mục kỹ thuật số” mới bắt đầu hình thành. Điều đó chứng tỏ trong môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày nay không còn đơn thuần là cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm, các nước muốn nhanh chóng nắm bắt xu hướng mới để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm. Bối cảnh đó cũng đòi hỏi Việt Nam phải thích ứng nhanh nhạy và hành động kịp thời, trong đó, ở lĩnh vực du lịch, cần tăng năng lực cho các cơ quan chịu trách nhiệm nghiên cứu xu hướng du lịch mới trong đó có Viện Nghiên cứu phát triển du lịch để kịp thời đề xuất các giải pháp cho ngành.

Du mục kỹ thuật số tại Best Western Premier Sonasea Phu Quoc

Cộng đồng “du mục kỹ thuật số” đánh giá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn nhờ bản sắc văn hoá độc đáo, cảnh quan đẹp, ẩm thực phong phú và đặc biệt là chi phí sống rất hợp lý. Vì thế, để thu hút được đối tượng này, cần tạo ra một sân chơi với luật chơi hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, chủ động và thực sự mời gọi nhóm người chơi giàu và am hiểu công nghệ này. Trong đó, cần có chính sách cởi mở về thị thực; xây dựng cơ chế cụ thể để có thể cấp DNV cho người nước ngoài và gắn cơ chế này với chính sách ngôi nhà thứ hai cho người nước ngoài.

Muốn đẩy mạnh phát triển du lịch không thể không phát triển hạ tầng. Cần phủ sóng wifi có dung lượng và tốc độ tại các địa điểm du lịch. Sớm triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, lưỡng dụng cả hành khách và hàng hóa để kết nối từ Móng Cái đến Cà Mau nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển. Hiện báo cáo tiền khả thi dự án mới bao gồm từ thủđô Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cần bổ sung các đoạn còn lại vào nghiên cứu tổng thể, đặc biệt là đoạntừ thành phố Hồ Chí Minh đi đồng bằng sông Cửu Long vì khu vực này có tới 20 triệu dân và hạ tầng còn kém phát triển.

Cần khuyến khích đầu tư tư nhân tạo thêm các điểm đến mới và sản phẩm mới có sức thu hút du lịch cao. Ví dụ, ngày 13/6/2022, Dubai đã khánh thành thư viện lớn nhất thế giới với diện tích 54.000 m2, 7 tầng với công nghệ tiên tiến và gồm 9 thư viện chuyên ngành, 1,1 triệu bản in và sách kỹ thuật số bằng 30 ngôn ngữ, 6 triệu luận án nghiên cứu, 13.000 bài báo, 5.000 tài liệu lịch sử và 500 tác phẩm sưu tầm quý hiếm.

Nauy có công viên tượng khỏa thân Vigeland là nơi thu hút du khách với 212 tác phẩm điêu khắc bằng đồng và đá granite do nhà điêu khắc Gustav Vigeland sáng tạo và là nhà điêu khắc chính. Tại Oslo, nhà hát Opera và Ba lê quốc gia lấy ý tưởng từ tảng băng trôi cũng mê hoặc du khách. Tại Bồ Đào Nha có hiệu sách Livraria Lello ở thành phố cảng Porto với quy mô nhỏ nhưng là nơi J.K Rowling - tác giả bộ chuyện Harry Potter đã từng ngồi viết chuyện nên có sức hút lớn. Hàng ngày hàng dài du khách xếp hàng để được vào thăm quan.

Chúng ta cũng cần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam nhiệt đới (tropical) với hàng nghìn hòn đảo thơ mộng (romantic island), hàng trăm bãi biển nắng ấm hàng đầu thế giới (beautiful sunny beach), một Việt Nam cởi mở, mến khách, năng động, giàu bản sắc và đặc biệt là nơi an toàn, chi phí sinh hoạt cạnh tranh, có không gian đa dạng, khác biệt, hấp dẫn cộng đồng du mục kỹ thuật số.

Trước đại dịch Covid-19, quảng bá ra nước ngoài đã là một điểm yếu của du lịch Việt Nam và sau khi mở cửa trở lại, hầu như không có hoạt động hay chiến dịch quảng bá du lịch xứng tầm nào ở nước ngoài được kích hoạt. Trong khi đó, Singapore đã xây dựng video clip với tagline: Singapore Reimagine nhằm quảng bá mạnh mẽ về một Singapore là một thành phố, một hòn đảo và nhiều hơn thế nữa. Việt Nam cần đầu tư để “săn” và xây dựng một bộ ảnh thật đẹp, một video quảng bá mới mẻ để truyền thông qua các mạng xã hội ra thế giới thời hậu đại dịch.

Thêm nữa, DNV hoàn toàn có thể bàn và thực hiện trong khuôn khổ của trụ cột kinh tế nội khối ASEAN và rộng hơn là cơ chế đi lại nội khối theo mô hình Schengen của châu Âu.

Rõ ràng, du mục kỹ thuật số có thể mang lại lợi ích cho bất kỳ nền kinh tế nào – tăng tiêu dùng, gia tăng hợp tác và thúc đẩy sáng tạo. Tuy nhiên, Việt Nam chưa nghiên cứu chứ chưa nói đến đưa ra chương trình nắm bắt xu hướng này trong khi các nước đang cạnh tranh vì nguồn tài năng làm việc từ xa. Đây là thời điểm Việt Nam “lên tầu”, hoặc rủi ro bị bỏ lại phía sau.

Tác giả: TS. Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn CEO

Nguồn: Theleader.vn

Lên đầu trang  >>