Nền kinh tế bạc, khái niệm bao gồm mọi hoạt động kinh tế liên quan đến tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ của những người từ 50 tuổi trở lên, đang trở thành một xu hướng tất yếu khi dân số toàn cầu ngày càng già hóa.
Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tại Nhật Bản trong những năm 1970, quốc gia có tỷ lệ người trên 65 tuổi cao nhất thời bấy giờ, để chỉ thị trường dành cho người cao tuổi với các lĩnh vực đa dạng như y tế, ngân hàng, ô tô, nhà ở, viễn thông, giải trí và du lịch.
Báo cáo của Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc công bố vào đầu năm 2023 xác định "già hóa dân số" là một xu hướng toàn cầu.
Khi tuổi tác tăng lên, nhu cầu về sức khỏe thể chất, chăm sóc hàng ngày và chăm sóc dài hạn của người cao tuổi cũng tăng đáng kể. Đặc biệt, nhóm người cao tuổi trên 80 tuổi có nhu cầu cấp thiết về các dịch vụ chăm sóc phục hồi chức năng, phòng ngừa và quản lý bệnh tật.
Đặc biệt, người cao tuổi trên 80 tuổi có nhu cầu đặc biệt cấp thiết về các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, bao gồm nhiều cấp độ hỗ trợ cuộc sống, chăm sóc phục hồi chức năng, phòng ngừa và quản lý bệnh tật.
Ngoài ra, với thời gian rảnh rỗi nhiều hơn và nền tảng kinh tế ổn định hơn, người cao tuổi ngày càng có xu hướng theo đuổi những hoạt động làm phong phú đời sống tinh thần, giúp họ thích ứng tốt hơn với những thay đổi trong cuộc sống hưu trí như tham gia du lịch, trau dồi sở thích và tham gia các hoạt động văn hóa.
Mỗi nhóm người cao tuổi ở các độ tuổi khác nhau có những nhu cầu riêng biệt. Người mới nghỉ hưu thường hướng nhiều tới đời sống cộng đồng, văn hóa và giải trí, trong khi nhóm người cao tuổi hơn tập trung vào chăm sóc sức khỏe và nhóm người rất cao tuổi cần sự an nhàn và tiện nghi trong cuộc sống.
Nền kinh tế bạc được coi là một cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, thị trường toàn cầu cho các sản phẩm và dịch vụ dành cho người cao tuổi năm 2020 ước tính đạt khoảng 15 nghìn tỷ USD.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng nhanh nhất trong nền kinh tế bạc.
Ở châu Âu, nền kinh tế bạc chiếm khoảng 25% GDP, đặc biệt nổi bật tại các quốc gia như Ý và Đức.
Kinh nghiệm từ các quốc gia
Đức là một trong những quốc gia có tỷ lệ dân số cao tuổi lớn nhất tại châu Âu, với hơn 22% dân số trên 65 tuổi. Một số nét nổi bật của nền kinh tế bạc tại Đức là hệ thống bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe được tổ chức chặt chẽ; thúc đẩy việc làm và đào tạo cho người cao tuổi; khuyến khích xây dựng những khu nhà ở với thiết kế đặc biệt phù hợp cho người cao tuổi; cung cấp nhiều chương trình giáo dục và giải trí dành riêng cho người cao tuổi.
Nhật Bản là quốc gia có dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới. Theo thống kê từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tính đến ngày 15/9/2023, số người từ 65 tuổi trở lên là 36,23 triệu người.
Nhật Bản đã xây dựng một loạt các chính sách và chương trình để thích ứng với sự thay đổi này, đưa quốc gia trở thành hình mẫu trong phát triển nền kinh tế bạc.
Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng, và chăm sóc tại nhà. Các chương trình chăm sóc dài hạn cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho người cao tuổi, giúp họ dễ dàng tiếp cận hỗ trợ.
Tuổi nghỉ hưu chính thức được nâng lên 65, với chính sách khuyến khích người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc. Các doanh nghiệp được hỗ trợ để tạo điều kiện làm việc bán thời gian hoặc tự do cho người cao tuổi.
Nhật Bản chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ người cao tuổi cũng như xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi.
Các tour du lịch được thiết kế dành riêng cho người cao tuổi, với dịch vụ hỗ trợ y tế và hướng dẫn viên am hiểu về nhu cầu và sở thích của họ. Các sự kiện và hoạt động văn hóa được tổ chức phù hợp với sở thích và sức khỏe người cao tuổi, giúp họ giải trí và duy trì sức khỏe tinh thần.
Nhật Bản đã chứng minh rằng thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ, việc thích ứng với già hóa dân số và phát triển nền kinh tế bạc có thể mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn xã hội.
Số lượng người già ở Việt Nam đang tăng nhanh. Ảnh: Hoàng Anh
Việt Nam cần làm gì?
Việt Nam đang chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ dân số vàng sang xã hội già hơn khi tỷ lệ sinh sụt giảm đáng kể trong thời gian dài. Do sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng của Việt Nam dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng trước năm 2040 hoặc thậm chí sớm hơn.
Một yếu tố cần quan tâm là sức khỏe của nhóm người cao tuổi ở Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.
Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính như mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư....
Về khả năng chi tiêu, người cao tuổi ở Việt Nam thường có nguồn thu từ lương hưu, tiết kiệm và đầu tư; khả năng chi tiêu của họ phụ thuộc vào mức độ ổn định tài chính và kế hoạch tài chính cá nhân.
Về thói quen tiêu dùng, những năm gần đây đã có sự chuyển dịch trong hành vi tiêu dùng của người cao tuổi, với xu hướng tăng chi tiêu cho sức khỏe, du lịch, giáo dục và giải trí.
Có thể nói, sự già hóa dân số, những đặc điểm riêng của nhóm đối tượng người cao tuổi ở Việt Nam đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội nhưng cũng là cơ hội vàng để Việt Nam phát triển nền kinh tế bạc.
Trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước, ở giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi Việt Nam nên bắt tay ngay vào nghiên cứu, đưa ra tầm nhìn, xây dựng chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc.
Để phát triển toàn diện nền kinh tế bạc tại Việt Nam, trước hết cần có tầm nhìn, nhận thức chính xác, đầy đủ về nhu cầu, động lực, định hướng của nền kinh tế bạc. Sự trỗi dậy của nền kinh tế bạc phản ánh sự đánh giá lại của xã hội đối với người cao tuổi, xã hội không còn coi họ chỉ là gánh nặng kinh tế mà thay vào đó ghi nhận sự đóng góp của họ cho xã hội và tiềm năng của họ với tư cách là người tiêu dùng.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, cần tăng cường hoạt động truyền thông về nền kinh tế bạc đến cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước; chú trọng quảng bá các doanh nghiệp, hoạt động, sản phẩm nền kinh tế bạc điển hình.
Các chiến dịch truyền thông tập trung vào nâng cao nhận thức về vai trò của người cao tuổi trong xã hội, nhấn mạnh giá trị mà họ mang lại; xóa bỏ định kiến, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia hoạt động xã hội, văn hóa và lao động để thay đổi quan niệm về tuổi già, giúp họ sống khỏe mạnh và chủ động hơn.
Trong thời gian sắp tới, cần tiếp tục xây dựng các chính sách tổng hợp hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi, phát huy vai trò của họ trong xã hội và khai thác các tiềm năng kinh tế từ nhóm này.
Các chính sách về nền kinh tế bạc nên được xây dựng với nội dung trọng tâm là nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế bạc, định hướng các lĩnh vực ưu tiên phát triển, các chính sách hỗ trợ đối với nền kinh tế bạc tại Việt Nam.
Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của người cao tuổi mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận một thị trường tiềm năng để nền kinh tế bạc trở thành động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam.
Đồng thời, cần hoàn thiện pháp luật về nền kinh tế bạc. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều quy định pháp luật liên quan tới người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội.
Mặc dù vậy, các quy định về người cao tuổi vẫn còn những hạn chế nhất định và mới chỉ tập trung chủ yếu về an sinh, chăm sóc đối với người cao tuổi mà còn thiếu vắng các quy định từ góc độ phát triển kinh tế theo hướng vừa nhằm chăm sóc người cao tuổi vừa phát huy thế mạnh, những đóng góp trực tiếp và gián tiếp của người cao tuổi đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Trong bối cảnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật theo hướng này làm cơ sở, hành lang pháp lý cho sự phát triển của nền kinh tế bạc.
Ví dụ, hoàn thiện pháp luật khuyến khích tư nhân, cộng đồng tham gia đầu tư xây dựng, vận hành các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão; các trung tâm này phải có khả năng cung cấp dịch vụ toàn diện, từ hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày đến chăm sóc y tế chuyên sâu.
Hoặc nghiên cứu xây dựng mới hoặc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm chăm sóc dưỡng lão ngoài bảo hiểm y tế theo mô hình Nhật Bản để đảm bảo mọi người cao tuổi đều có khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng. Xem xét sớm sửa đổi Luật Người cao tuổi để phù hợp với thực tiễn.
Cũng cần xác định vai trò của nền kinh tế bạc trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, xây dựng chiến lược trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2030 – 2050, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để kích hoạt và phát triển nền kinh tế bạc;
Một vấn đề quan trọng là quy hoạch và xây dựng thích ứng với kinh tế bạc. Cần hoàn thiện và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, định mức dự toán cho các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người cao tuổi, chú ý các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế công trình và phương tiện công cộng như vỉa hè, lối đi, phương tiện giao thông, nhà ở, bãi biển, công viên… phù hợp, thân thiện với người cao tuổi, người tàn tật.
Cần quy hoạch xây dựng các trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão khắp cả nước như quy hoạch trường học, cơ sở y tế để đảm bảo khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi; phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Khuyến khích phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà và từ xa, giúp người cao tuổi tiếp cận dịch vụ tư vấn y tế mà không phải đi lại;
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi. Thúc đẩy việc phái cử lao động qua đào tạo như điều dưỡng, y tá sang các nước có nền kinh tế bạc phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Canada để làm việc trong môi trường thực tiễn và tiêu chuẩn cao.
Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các giải pháp công nghệ thông minh như thiết bị theo dõi sức khỏe, hệ thống an ninh, nhà thông minh để giúp người cao tuổi duy trì cuộc sống độc lập, phát triển phương tiện giao thông như xe điện với thiết kế thông minh phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật như một số quốc gia đã triển khai.
Chính phủ có thể cung cấp vốn và hỗ trợ kỹ thuật cho các công ty khởi nghiệp tập trung vào việc phát triển công nghệ dành riêng cho người cao tuổi, như các nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến hoặc các hệ thống học trực tuyến; nhận chuyển nhượng các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực phục vụ người cao tuổi.
Cần đầu tư vào giáo dục, đào tạo cho người cao tuổi như tổ chức các khóa học giúp người cao tuổi làm quen với công nghệ số như điện thoại thông minh, máy tính bảng, hay sử dụng các nền tảng trực tuyến; đào tạo, tập huấn về chương trình sức khỏe và dinh dưỡng; đồng thời tăng cường cơ hội việc làm phù hợp cho người cao tuổi.
Cuối cùng, không kém phần quan trọng là triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển nền kinh tế bạc bao gồm cả các giải pháp hỗ trợ về tài chính và phi tài chính.
Nghiên cứu ban hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm, phúc lợi xã hội chăm sóc dưỡng lão; hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế với người cao tuổi; có chính sách ưu đãi thuế, phí với các ngành sản xuất các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi.
Giải pháp phi tài chính gồm quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức dự toán; cắt giảm thủ tục hành chính cho các dự án phục vụ người cao tuổi; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật thân thiện với người cao tuổi, hỗ trợ hạ tầng với các khu công nghiệp chuyên biệt sản xuất các sản phẩm phục vụ người cao tuổi.
Tầm nhìn tương lai
Có thể nói, nền kinh tế bạc không chỉ phản ánh xu hướng xã hội thay đổi cơ cấu dân số mà còn là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới nền kinh tế và tiến bộ xã hội.
Với tiến bộ công nghệ và những thay đổi trong khái niệm tiêu dùng, nền kinh tế bạc thúc đẩy các doanh nghiệp và chính phủ suy nghĩ lại về các mô hình dịch vụ và đáp ứng nhu cầu tinh tế của người cao tuổi thông qua đổi mới công nghệ và tối ưu hóa dịch vụ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi và thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, phát triển bền vững.
Đứng trước những thách thức và cơ hội từ xu hướng già hóa dân số nhanh chóng, Việt Nam cần kịp thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để phát triển chính sách, pháp luật, xây dựng môi trường hỗ trợ nền kinh tế bạc, đồng thời tận dụng nguồn lực người cao tuổi trong sự phát triển chung của xã hội.
Tác giả: TS.LS Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group
Nguồn: https://theleader.vn/viet-nam-chuan-bi-gi-cho-nen-kinh-te-bac-1718784775662.htm